Tầm Quan Trọng Của Tam Giác Ổn Định Xe Nâng

Hiểu được tam giác ổn định xe nâng là điều cần thiết để đảm bảo an toàn lao động trong khi vận hành xe nâng. Khi người lái hiểu được giới hạn tải trọng của xe nâng và nguyên tắc chung của tam giác ổn định, họ có thể vận hành an toàn hơn và giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố.

Trong bài hướng dẫn này, XENANGTAIDAY.COM sẽ phân tích các chi tiết của tam giác ổn định xe nâng và những gì bạn đọc có thể làm để đảm bảo rằng xe nâng của bạn ổn định trong quá trình nâng hạ hàng hóa và sẽ không xảy ra nguy cơ mất an toàn cho bạn và những người xung quanh.

I. TAM GIÁC ỔN ĐỊNH XE NÂNG LÀ GÌ?

Tam giác ổn định xe nâng là một tam giác vô hình được tạo thành bởi tâm trục bánh sau hai bánh trước được kết nối bởi trục dẫn động cầu trước. Miễn là tâm tải NẰM TRONG tam giác ổn định này, xe nâng sẽ không bị lật. Nếu bạn KHÔNG tuân thủ theo tam giác ổn định, chẳng hạn như khi xe nâng của bạn bị quá tải, bạn có thể khiến trọng tâm của xe nâng dịch chuyển quá xa về phía trước và cuối cùng bị nhấc bổng trục bánh sau lên, một việc làm RẤT NGUY HIỂM.

Tam giác ổn định xe nâng

Bạn nên hiểu các thuật ngữ hữu ích liên quan đến tam giác ổn định:

- Ổn định NGANG (Lateral stability): Khả năng chống lật sang ngang (2 bên) của xe nâng.

- Ổn định DỌC (Longitudinal stability): Khả năng chống lật về phía trước hoặc phía sau của xe nâng.

- Ổn định ĐỘNG (Dynamic stability): Xe nâng không tải hoặc có tải có thể thay đổi do dừng, khởi động, quay (rẽ) hoặc nghiêng đột ngột.

- Đường tác dụng (của lực) (Line of action): Đường thẳng đứng tưởng tượng đi qua trọng tâm của vật thể.

- TRỌNG TÂM (Load center): Còn gọi là tâm tải (khi xe nâng hàng), là điểm nằm trên đường tác dụng (của lực) của xe nâng, nơi cân bằng khối lượng giữa xe nâng và hàng. Trọng tâm có thể dịch chuyển vị trí tùy vào:

+ Khối lượng của tải.

+ Vị trí đặt tải.

+ Khối lượng của xe nâng (bao gồm cả đối trọng của xe nếu có).

>>> Nếu trọng tâm dịch chuyển quá xa vị trí không tải hoặc nằm ngoài đường tác dụng của lực sẽ GÂY NGUY HIỂM cho xe nâng và có thể khiến xe bị lật.

Nguyên tắc cân bằng của xe nâng dựa trên nguyên lý của trò chơi bập bênh (đòn bẩy)

Vì dựa trên nguyên lý ĐÒN BẨY nên điều này cũng lí giải một phần tại sao bánh trước của xe nâng luôn to hơn, thậm chí 1 số dòng xe nâng cỡ nhỏ và vừa (3 đến dưới 10 tấn) và các dòng xe nâng cỡ lớn (10 tấn) trở lên trang bị lốp kép để chịu tải là chính, khác với xe tải hay xe sơ-mi rơ-moóc, khi các trục bánh sau mới là nơi chịu tải.

II. ĐIỀU GÌ QUYẾT ĐỊNH TÍNH ỔN ĐỊNH CỦA XE NÂNG?

Ba yếu tố chính chi phối sự ổn định của xe nâng:

- Kích thước tải;

- Địa hình mà xe vận hành;

- Loại xe nâng bạn đang sử dụng.

Ba yếu tố chính chi phối sự ổn định của xe nâng

1. Kích thước tải:

Khi nói đến tải trọng, ta nên xem xét cả kích thước và sự phân bố. Mỗi xe nâng sẽ có một giới hạn chịu tải được xác định cụ thể qua hình vẽ trên tấm lắc của xe mà bạn phải tuân thủ. Ví dụ, một chiếc xe nâng dầu KOMATSU FD30C-12 (có khung nâng cao 5 m và chức năng chui công – full free) có thể nâng được 2,700 kg ở tâm tải 500 mm, nhưng chỉ là 2,240 kg ở tâm tải 700 mm. Nếu tâm tải nằm ở 1,300 mm thì tải trọng sẽ chỉ còn 1,480 kg, tức là tải trọng tối đa đã bị giảm đi một nửa.

Tấm lắc thể hiện tải trọng tối đa theo từng vị trí tâm tải (góc trên bên phải) của xe nâng dầu KOMATSU FD30C-12

>>> KHÔNG bao giờ vượt quá sức nâng của xe nâng, nếu không bạn sẽ có nguy cơ bị NHẤC BỔNG LẬT XE.

2. Địa hình:

Địa hình mà xe nâng hoạt động cũng ảnh hưởng đến sự ổn định của nó, vì các bề mặt trơn trượt không bằng phẳng có thể dẫn đến nguy cơ LẬT XE ngay cả khi nó không vượt quá giới hạn tải trọng. Người lái xe nâng nên tránh đi trên dầu, nước hoặc các chất lỏng khác do nguy cơ TRƯỢT bánh xe. Chúng ta cũng nên tránh các bề mặt nghiêng dốc, hoặc các bề mặt không bằng phẳng. Cuối cùng, người lái xe nâng nên lưu ý các vật cản, ổ gà gờ giảm tốc vì chúng cũng có thể khiến bánh xe bị hất lên ĐỘT NGỘT.

3. Loại xe nâng:

Bạn có thể sử dụng nhiều loại xe nâng khác nhau và mỗi loại đều có cấu hình ổn định riêng, ví dụ như xe nâng điện đứng lái sẽ có tâm tải giảm tải khi lên cao khác với xe nâng ngồi lái, đồng thời mặt phẳng hoạt động của nó cũng bị giới hạn nhiều hơn do chúng sử dụng bánh PU thay vì lốp (đặc hoặc hơi) như xe nâng ngồi lái. Nếu bạn đang cân nhắc mua xe nâng, hãy xem xét cẩn thận các thông số kỹ thuật của xe nâng để xác định loại xe phù hợp cho công việc của bạn.

Xe nâng điện đứng lái 900 kg KOMATSU FB09RC-12

Xe nâng điện đứng lái 1 tấn NICHIYU FBRM12-80-500M

Mỗi loại xe nâng đều được thiết kế phù hợp cho một công việc cụ thể. Ví dụ: bạn KHÔNG THỂ sử dụng xe nâng 900 kg để nâng hàng nặng đến 1 tấn, dù tải chỉ chênh lệch 100 kg (10%). Hoặc, nếu bạn cần di dời các mặt hàng dạng ống như là gỗ, bạn sẽ cần một chiếc xe nâng có khả năng gật gù (hinged fork). Hay, nếu như mặt hàng đó là giấy thì bạn lại phải trang bị phụ kiện chuyên biệt hóa ở cấp độ cao hơn là khung nâng kẹp giấy (paper roll clamp).

Việc trang bị thêm phụ kiện chức năng (full free) cho xe nâng cũng sẽ khiến cho tải trọng tối đa của xe nâng giảm xuống, 1 phần là vì khung xe nâng phải chịu thêm khối lượng của chính những phụ kiện đó, 1 phần là vì tâm tải tính từ mặt càng nâng nên việc thêm phụ kiện sẽ tăng khoảng cách (cánh tay đòn), 1 phần là vì bản thân những phụ kiện đó sẽ chịu tải ít hơn so với càng nâng cơ bản.

Xe nâng có chức năng gật gù (hinged fork)

Xe nâng có khung nâng kẹp giấy (paper roll clamp)

III. MẸO CẢI THIỆN ĐỘ ỔN ĐỊNH CỦA XE NÂNG:

Huấn luyện an toàn lao động BÀI BẢN là chìa khóa để đảm bảo cải thiện độ ổn định của xe nâng nhằm GIẢM THIỂU rủi ro lật xe.

Mẹo cải thiện độ ổn định của xe nâng

1. Giữ tải nằm thấp gần mặt đất:

Càng lên cao tải càng MẤT ỔN ĐỊNH, vì vậy hãy để tải càng thấp càng tốt. Lý tưởng nhất là cách 15 – 20 cm. Chúng tôi khuyên bạn nên nghiêng khung nâng về phía sau và đặt phần nặng nhất của tải càng gần mặt nạ khung nâng càng tốt, giữ cho trọng tâm không bị xê dịch quá xa về phía trước. Giữ khung nâng nghiêng về phía sau khi di chuyển để có độ ổn định tối đa.

2. Không tăng tốc hoặc phanh (thắng) đột ngột:

Chuyển động đột ngột ảnh hưởng đến sự ổn định của xe nâng, vì vậy KHÔNG nên tăng tốc hoặc phanh đột ngột. Lái xe chậm, lên ga ổn định và quan sát thận trọng. Duy trì mức độ kiểm soát xe nâng mọi lúc và điều chỉnh tốc độ của bạn khi cần thiết.

Ngoài ra, KHÔNG ĐƯỢC đột ngột thay đổi hướng vì có thể làm thay đổi trọng tâm quá nhanh và khiến xe bị lật. KHÔNG BAO GIỜ quay xe trên dốc hoặc bất kỳ loại bề mặt nghiêng nào.

3. Không vượt quá khả năng chịu tải tối đa của xe nâng:

Như đã nói ở trên, tải trọng tối đa có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của xe nâng, vì vậy ĐỪNG BAO GIỜ vượt quá khả năng chịu tải (được mô tả trên tấm lắc của xe), vì có thể khiến người lái và xe bị lật hoặc mất kiểm soát tay lái rất nhanh. Đảm bảo rằng tất cả những người vận hành xe nâng PHẢI quen thuộc với sức nâng tối đa của xe.

Tất cả loại xe nâng đều có bảng chỉ thị tải trọng nằm trên tấm lắc trước khi xuất xưởng, vì vậy phải tuyệt đối tuân thủ nếu như bạn không muốn xảy ra sự cố nguy hiểm

Hi vọng qua bài viết này, XENANGTAIDAY.COM có thể giúp cho bạn đọc hiểu hơn về an toàn trong vận hành xe nâng.

xe nâng tại đây

Xe Nâng Tại Đây

Hơn 10 năm mua bán, nhập khẩu và phân phối xe nâng hàng Nhật Bản. Đội ngũ tư vấn giải pháp nâng hàng giàu kinh nghiệm, Hãy gọi ngay Hotline 0983 446 248 hoặc gửi email: xenangtaiday@gmail.com