Hướng Dẫn Sạc Pin Xe Nâng Điện An Toàn Và Chính Xác Cho Người Mới

Trong bài viết này, XENANGTAIDAY.COM sẽ hướng dẫn các bạn quy trình sạc xe điện (với mẫu xe điện ngồi KOMATSU FB15-12 và xe điện đứng KOMATSU F15RL-15) và các lưu ý khi sạc xe điện để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Dù là xe nâng sử dụng bình điện axít - chì hay lithium thì bình điện xe nâng cũng giống như pin điện thoại, chúng ta phải lưu ý khi sạc pin để đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro một cách tối đa.

I. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG XE NÂNG ĐIỆN:

1. Dung lượng bình điện:

Trong quá trình vận hành thì chúng ta phải luôn để ý và kiểm tra dung lượng bình điện. Khi dung lượng của bình còn 20% thì phải tiến hành sạc, nếu tiếp tục sử dụng đến cạn kiệt sẽ dẫn đến các cell pin nhanh bị hỏng, phải thay thế dẫn đến tốn kém chi phí rất lớn.

Khi sạc điện cho xe nâng, chúng ta cũng nên sạc đầy 100%, tránh tình trạng sạc lắt nhắt, nhỏ giọt, bị ngắt quãng chu kỳ sạc, sạc dưới 100% pin.

Chú ý rút phích cắm sau khi xe báo đầy pin, tránh để cắm sạc quá lâu. Dây sạc phải quấn gọn gàng và để vào đúng vị trí, không vứt bỏ bừa bãi để tránh bị vướng víu khi di chuyển dẫn đến đứt dây, gây nguy hiểm về điện.

2. Bình điện axít – chì:

Ngoài việc kiểm tra dung lượng bình ắc quy xả sâu trước, trong và sau khi vận hành, chúng ta cũng cần phải kiểm tra các phao của cell pin và tiến hành châm nước cất (nếu là bình điện axít - chì), tránh trường hợp pin bị khô nhưng vẫn khởi động và vận hành xe dẫn đến bình điện mau xuống cấp và hư hỏng. Ngoài ra, khi châm nước, ta chỉ châm vừa đủ. Nếu châm quá nhiều (vạch trắng trên phao nhô lên) có thể khiến chất lỏng (axít) trong cell pin trào ra ngoài khi sạc bình điện.

Phao cell pin trên bình điện HITACHI LIFTTOP

Khi châm nước cần đảm bảo nguồn nước là nước cất để có độ tinh khiết cao nhất có thể, tránh các khoáng chất và tạp chất lẫn vào bên trong cell pin làm tăng tốc hiện tượng ăn mòn.

Nếu như chất lỏng bên trong cell pin trào ra ngoài thì cần phải ngắt điện và lau chùi ngay lập tức, nếu không sẽ dẫn đến vỏ cell pin hoặc tệ hơn là mối nối hàn chì bị ăn mòn.

Đeo găng tay nhựa và sử dụng bàn chải, khăn khi lau chùi, vệ sinh bình điện

Sau khi lau chùi phải rửa tay kỹ, nếu không axít từ cell pin sẽ ăn mòn da gây ngứa rát. Tuyệt đối KHÔNG chùi tay lên mặt và các bộ phận khác trên cơ thể nếu chưa rửa tay.

Phải cẩn thận với các chất lỏng xuất hiện trên bình điện vì nó có thể là axít trào ra từ bình

Khi sạc pin axít - chì, chúng ta nên mở nắp xe, thường là dưới ghế ngồi để khí hidro sinh ra từ phản ứng hóa học trong quá trình sạc pin thoát ra ngoài không khí tốt hơn, tránh để tích tụ khí hidro gây mất an toàn do đây là loại khí dễ bắt lửa. Ngoài ra cũng cần phải kiểm tra mối hàn chì giữa các cell pin, đồng thời kiểm tra nắp đậy mối hàn.

Kiểm tra nắp và phao châm nước, nắp che mối hàn và bản thân mối hàn chì thường xuyên

Nếu như không có phản ứng hóa học (cell pin axít - chì sôi lên) tức là dòng điện đầu vào chưa đủ cao.

3. Nhiệt độ và cường độ vận hành:

Khi vận hành hay sạc điện, chúng ta cũng phải chú ý đến nhiệt độ môi trường, tránh tình trạng quá nóng (trên 40 độ C) hay quá lạnh (dưới 15 độ C) để pin không bị giảm tuổi thọ.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên để xe làm việc với cường độ quá cao hay nâng hàng vượt tải trọng, vì không những gây nguy hiểm cho xe và người vận hành (quá tải có thể dẫn đến mất thăng bằng, làm nghiêng hay thậm chí lật xe), mà còn khiến cho pin giảm tuổi thọ và dung lượng rất nhanh.

Cường độ dòng điện phải phù hợp và đều, tránh lên xuống thất thường gây mất cân bằng dòng điện và khiến pin bị quá nhiệt, có thể bị giảm tuổi thọ hoặc tệ hơn là dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

>>> Lưu ý: Phải nhấn nút tắt trên hộp điều khiển sạc điện và tắt công tắc trên máy biến thế TRƯỚC KHI rút phích cắm sạc.

4. Đấu nối điện và khu vực sạc:

Cần phải tuyệt đối chú ý khi đấu nối nguồn điện 3 pha sang máy biến thế và vào xe, tránh hiện tượng điện áp đầu ra sai lệch so với thiết kế của xe. Do điện áp đầu ra có 2 mức trên máy biến thế là 3 pha 200V và 220V nên phải kiểm tra trước khi cắm sạc, nếu không sẽ dẫn đến cháy nổ, rất nguy hiểm cả cho người cắm sạc, xe nâng và mọi người xung quanh.

Khu vực sạc pin phải thông thoáng, tuyệt đối an toàn, tránh tình trạng cháy nổ hết mức có thể (ẩm ướt, hút thuốc hoặc vứt gạt tàn, kín, hẹp, dây điện bị hở, gia công vật liệu gây xuất hiện tia lửa điện, không trang bị bình chữa cháy,...).

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải chú ý đến cường độ dòng điện và hiệu điện thế (điện áp) khi sạc. Do các dòng xe nhập về chủ yếu là xe của Nhật Bản nên dù là dòng điện 3 pha nhưng điện áp của nhật chỉ là 200V, KHÔNG PHẢI 380V như ở Việt Nam.

Ngoài bình điện ra, chúng ra cũng cần phải kiểm tra phích cắm từ bình đến hộp điều khiển sạc xe điện, phích cắm đầu vào từ máy biến thế (thường là phích âm) và phích cắm trên xe (thường là phích dương) để xem có hiện tượng gỉ sét hay bám bụi, vào nước không.

Phích cắm âm nối từ đầu ra máy biến áp và cắm vào phích cắm dương trên xe

II. QUY TRÌNH SẠC ĐIỆN CHO XE NÂNG ĐIỆN:

Bước 1: Kiểm tra kỹ xung quanh, đảm bảo an toàn tuyệt đối tình trạng cháy nổ trước khi tiến hành sạc pin cho xe nâng điện.

Sạc pin xe ở nơi thông thoáng

Bước 2: Kiểm tra cầu dao nguồn 3 pha vào máy biến thế, bản thân máy biến và dây nối từ cầu dao vào máy và từ máy đến phích cắm âm. Phải đảm bảo đúng cường độ dòng điện định mức và điện áp đầu ra là 200V.

Không sử dụng phích cắm, dây cắm bị sờn, rách, hỏng, công suất không phù hợp, bởi vì có thể dẫn đến hiện tượng rò rỉ điện, tệ hơn là đoản mạch hay quá nhiệt gây cháy nổ

Bước 3: Kiểm tra cả hai đầu phích cắm âm từ máy biến thế ra và phích cắm dương từ hộp điều khiển sạc xe điện.

Phích cắm nối bình điện với xe nâng điện đứng lái nằm bên phải hông xe (KOMATSU)

Phích cắm nối bình điện với xe nâng điện đứng lái nằm bên phải hông xe (NICHIYU)

Phích cắm nối bình điện với xe nâng điện ngồi lái nằm dưới nắp xe

Bước 4: Mở nắp xe ra trước khi sạc và kiểm tra các phao pin, đồng thời kiểm tra các mối nối hàn chì và hiện tượng trào nước hay tạp chất bên trên bình điện và các cell pin.

Bước 5: Sau khi đã đảm bảo an toàn, tiến hành cắm phích âm vào phích dương.

Phích cắm dương trên xe nâng điện ngồi lái, thường nằm ở bên phải xe

Phích cắm dương trên xe nâng điện đứng lái, thường nằm bên trái và ngang hông người lái

Bước 6: Ấn nút AUTO trên hộp điều khiển sạc xe điện để xe bắt đầu sạc điện.

Hộp điều khiển sạc xe nâng điện ngồi lái

Hộp điều khiển sạc xe nâng điện đứng lái

Bước 7: Luôn cắt cử người trực để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.

Bước 8: Rút phích cắm sau khi xe đã sạc đầy.

Hi vọng qua bài viết này, XENANGTAIDAY.COM có thể bổ sung thêm kiến thức để bạn có thể sạc pin xe điện một cách an toàn hơn.

xe nâng tại đây

Xe Nâng Tại Đây

Hơn 10 năm mua bán, nhập khẩu và phân phối xe nâng hàng Nhật Bản. Đội ngũ tư vấn giải pháp nâng hàng giàu kinh nghiệm, Hãy gọi ngay Hotline 0983 446 248 hoặc gửi email: xenangtaiday@gmail.com