Hướng Dẫn Lái Xe Nâng Điện Đứng Cho Người Mới

Trong bài viết ngày hôm nay, XENANGTAIDAY.COM sẽ hướng dẫn các bạn làm quen và vận hành xe nâng điện đứng lái, với mẫu xe trong bài là KOMATSU FB15RL-15 và NICHIYU FBRMW14.

Khác với xe nâng điện ngồi, xe nâng điện lái có thao tác và cách vận hành hơi khác biệt và có thể sẽ khó làm quen hơn. Ngoài ra, vì xe nâng điện đứng có trọng tâm cao và không có đối trọng bằng gang như xe điện ngồi nên phải hết sức lưu ý khi di chuyển qua lại và lên xuống dốc.

I. LÁI XE:

Đầu tiên chúng ta sẽ học cách bước lên xe sao cho an toàn và kiểm tra xe trước khi khởi động.

Bước 1: Khi bước lên xe, chúng ta phải hướng mặt vào trong (tay nắm vàp khung nhựa của xe, chân bước lên sàn xe).

Nếu là xe nâng điện ngồi thì cảm biến sẽ nằm ở ghế ngồi (lún xuống khi người vận hành ngồi lên), còn ở xe nâng điện đứng thì chính sàn xe là cảm biến (lún xuống khi người vận hành bước lên).

Ở các dòng xe nâng điện đứng Platter của hãng NICHIYU sẽ được thiết kế thêm tay cầm nhằm thuận lợi hơn khi lên xuống xe. Cảm biến có người sẽ là bàn đạp bên phải thay vì cả sàn xe như của hãng KOMATSU.

Bước 2: Điều chỉnh gương chiếu hậu.

Bước 3: Kiểm tra đèn và còi xe.


Ở xe nâng điện đứng thì đèn pha và sẽ được bật bằng các nút gạt (hoặc bấm) nhỏ nằm trên táp lô. Còi xe cũng là một nút bấm nằm trên táp lô.

Táp lô của dòng xe điện đứng KOMATSU

Táp lô của dòng xe điện đứng Platter (NICHIYU)

Xe nâng điện đứng không có phanh tay hay nút gạt tiến, lùi và số mo (N), mà thay vào đó là cần gạt vừa tiến lùi, vừa ga xe; vô lăng quay xe nằm bên trái và có phần tay nhựa để người dùng bám tay vào khi điều khiển tiến lùi, tránh bị giật mình làm tay gạt mạnh, xe sẽ tăng tốc đột ngột gây mất an toàn.

Tay nắm và nút gạt tiến lùi

Vô lăng quay xe

Bước 4: Vặn chìa khởi động xe.

Chìa khóa nằm bên trái của vị trí đứng lái và cao ngang hông người lái

Phanh chân của xe điện đứng ngược lại với xe điện ngồi, tức là xe sẽ thắng lại nếu chúng ta nhả phanh chân ra. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải luôn đạp phanh chân nếu muốn di chuyển xe.

Sau khi đã hoàn tất kiểm tra xe, chúng ta sẽ bắt đầu học cách lái xe qua các bước sau.

Bước 1: Ngả càng về sau (phía người lái).

Bước 2: Nâng càng lên cách mặt đất 10 đến 15 cm để không bị va đập với mặt đất hay chướng ngại vật trong lúc di chuyển.

Bước 3: Đảm bảo an toàn xung quanh.

Bước 4: Gạt cần về trước để tiến và về sau để lùi, đồng thời cần gạt chính là tay ga.

Bước 5: Đạp phanh chân để có thể bắt đầu di chuyển với cần gạt.

Xe nâng điện đứng cũng khá giống xe nâng ngồi 3 bánh ở chỗ khi vận hành, chúng ta khó có thể thấy được bánh lái, phải phụ thuộc nhiều vào cảm giác lái khi muốn rẽ trái hay rẽ phải.

Bánh lái phía sau của xe nâng điện đứng lái

Bánh lái phía sau của xe nâng điện ngồi lái

Ngoài ra, do người lái đứng hẳn về bên phải chứ không ngồi giữa như xe điện ngồi nên khoảng nhìn có thể bị hạn chế bởi phần thân bên trái của xe. Do đó, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến bên trái của xe nâng trong khi di chuyển.

Đối với các bạn mới làm quen với xe nâng điện, chúng tôi khuyến nghị sử dụng chế độ chạy chậm (biểu tượng con rùa) để giới hạn tốc độ tối đa của xe xuống một nửa (từ 10.5 km/h xuống 6 km/h).

II. NÂNG TẢI:

Bước 1: Di chuyển xe vuông góc với lỗ vào càng của pallet và cách khoảng 50 cm.

Bước 2: Nhả phanh chân, sau đó điều chỉnh lại chiều cao, độ rộng, độ ngả của càng và khung nâng.

Nếu cần điều chỉnh lại xe, hàng hóa hoặc pallet thì phải tắt máy trước khi bước xuống xe.

Bước 3: Cần chậm rãi tiến vào pallet để có thể điều chỉnh kịp thời nếu như càng hoặc khung nâng không vuông góc với pallet.

Bước 4: Sau khi càng nâng vào hết chiều dài, nhả phanh chân và nâng pallet lên với tốc độ chậm để hàng hóa và pallet không bị rung đổ.

Bước 5: Sau khi nâng lên khoảng 10 đến 15 cm so với mặt đất, ngả khung nâng về sau (phía người lái) và đạp phanh chân để bắt đầu di chuyển.

III. HẠ TẢI:

Bước 1: Dừng xe cách vị trí hạ pallet khoảng 50 cm.

Bước 2: Nhả phanh chân, sau đó điều chỉnh khung nâng thẳng trở lại và nâng lên cao 20 cm.

Bước 3: Đạp phanh chân và từ từ tiến về khu vực hạ pallet.

Bước 4: Tiếp tục nhả phanh chân và từ từ hạ pallet xuống.

Bước 5: Đạp phanh và từ từ lùi ra khỏi pallet.

Chú ý rằng xe phải di chuyển vuông góc để tránh càng va vào pallet khi lùi ra.

IV. ĐỖ XE:

Khi không sử dụng hoặc kết thúc ca làm việc, chúng ra cần trả lại xe về chỗ dừng đỗ đúng quy định.

Bước 1: Kiểm tra trước vị trí đỗ nếu như có chướng ngại vật hoặc chắn lối đi của phương tiện khác.

Bước 2: Tiến hành lùi xe và liên tục quan sát gương chiếu hậu kết hợp quan sát phía sau, sẵn sàng nhả phanh chân trong trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý là xe phải phát tiếng kêu lùi xe để mọi người xung quanh chú ý.

Bước 3: Sau khi đã vào vị trí đỗ, nhả phanh chân để khóa di chuyển của xe.

Bước 4: Ngả càng nâng về trước (ra xa khỏi người lái).

Bước 5: Hạ càng nâng xuống sát mặt đất để không bị vướng chân người khác di chuyển qua lại.

Bước 6: Tắt đèn pha (nếu có bật) và tắt máy bằng cách gạt chìa khóa.

Bước 5: Xuống xe phải hướng mặt vào trong (tay nắm vàp khung nhựa của xe, chân bước lên sàn xe).

Hi vọng qua bài viết trên, XENANGTAIDAY.COM đã phổ biến được những kiến thức căn bản để các bạn có thể làm quen và lái xe điện đứng lái nhanh nhất có thể.

xe nâng tại đây

Xe Nâng Tại Đây

Hơn 10 năm mua bán, nhập khẩu và phân phối xe nâng hàng Nhật Bản. Đội ngũ tư vấn giải pháp nâng hàng giàu kinh nghiệm, Hãy gọi ngay Hotline 0983 446 248 hoặc gửi email: xenangtaiday@gmail.com